Bạn đã biết những chính sách mới về lao động và tiền lương có hiệu lực từ tháng 6/2017 chưa?

Bạn đã biết những chính sách mới về lao động và tiền lương có hiệu lực từ tháng 6/2017 chưa?

NHỮNG CHÍNH SÁCH MỚI VỀ LAO ĐỘNG VÀ TIỀN LƯƠNG CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 6/2017

Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp, chế độ tiền công đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng..là những chính sách có hiệu lực kể từ 1/6/2017.

 

Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp

 

Từ ngày 01/6/2017, Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:

•        0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.

•        0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014.

(Mức đóng hiện nay là 1.0 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hoặc trên mức lương cơ sở).

 

Quy chuẩn khối lượng kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng nghề

 

Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2017) quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng.

 

Theo đó, người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp phải đảm bảo các kỹ năng sau:

•        Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

•        Kỹ năng nhận thức, nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề bằng việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp cơ bản, công cụ, tài liệu và thông tin.

•        Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của ngành, nghề đào tạo trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế; đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.

 

Trang phục của cán bộ, công chức và người lao động Cục Hàng không Việt Nam

 

Thông tư 11/2017/TT-BGTVT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 và thay thế cho Thông tư 40/2012/TT-BGTVT quy định về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức Cục Hàng không Việt Nam.

 

Điểm mới nổi bật của Thông tư này là quy định về trang phục với cả lao động hợp đồng (trước đây tại Thông tư 40 không quy định).

 

Chế độ tiền công đối với người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng

 

Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH quy định người lao động đăng ký tham gia dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công (làm việc theo hình thức cộng đồng) được thỏa thuận tiền công nhưng phải đảm bảo:

•        Không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm đủ 8 giờ/ngày và 26 ngày/tháng.

•        Trường hợp người lao động làm không đủ 8 giờ/ngày hoặc 26 ngày/tháng thì tiền công tính theo giờ và không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8 giờ.

•        Trường hợp người lao động làm thêm giờ thì được thanh toán tiền công theo giờ nhưng không được thấp hơn tiền lương tối thiểu vùng chia 26 ngày và chia 8 giờ.

 

Ngoài ra, Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/6/2017) cũng quy định người lao động được thỏa thuận thời gian làm việc như sau:

•        Không quá 8 giờ/ngày.

•        Trường hợp làm thêm thì tổng số giờ làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.

•        Người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày/tuần hoặc trung bình 4 ngày/tháng đối với trường hợp chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần.

Trả lời