NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ HẠN CHẾ TRONG TÌNH HÌNH XUÁT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Hiện nay thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản đang ngày một mạnh mẽ, Bên cạnh những ưu điểm tích cực của xuất khẩu lao động thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế mà chúng ta cần khắc phục. Bài viết dưới đây tôi xin đề cập những ưu điểm và hạn chế trong xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ưu điểm
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã và đang từng bước đổi mới phương thức hoạt động, phát triển nhiều hình thức dịch vụ tiến bộ, đầu tư có trọng điểm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dịch vụ xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp góp phần tạo điều kiện cho hàng vạn người có việc làm với thu nhập cao, giảm được chi phí đầu tư khá lớn cho đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong nước. Người lao động được nâng cao tay nghề, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới và phương pháp quản lý tiên tiến, được rèn luyện tác phong và kỷ luật lao động công nghiệp.
Thị trường xuất khẩu lao động của nước ta từng bước ổn định và mở rộng, số thị trường nhận lao động ngày càng tăng lên. Việc chỉ đạo khai thác, củng cố mở rộng thị trường trọng điểm, từng bước tiếp cận, thí điểm để mở sang các khu vực khác.
Các hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài đều phù hợp với pháp luật nước ta và pháp luật nước sử dụng lao động, phù hợp với mặt bằng thị trường và bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.
Hạn chế
Trải qua gần 30 năm thực hiện việc xuất khẩu lao động đi nước ngoài, nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể như ta đã thấy ở trên nhưng công tác xuất khẩu lao động vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế đang nổi cộm mà chúng ta cần phải chấn chỉnh và khắc phục.
– Số lượng lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu. Một số doanh nghiệp đã không tích cực đầu tư, thiếu chủ trộng trong tìm kiếm, khai thác thị trường để ký kết hợp đồng cung ứng lao động.
– Trình độ tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của công nghệ sản xuất hiện đại mà chủ yếu là xuất khẩu lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, không có trình độ chuyên kĩ thuật. Chính vì vậy mà thu nhập của người lao động Việt Nam luôn thấp hơn lao động xuất khẩu của các nước khác.
– Trình độ ngoại ngữ của lao động được đánh giá là rất kém. Những mâu thuẫn trong lao động đều xuất phát từ bất đồng ngôn ngữ giữa giới chủ và lao động Việt Nam. Nhiều lao động bị trả về nước trước thời hạn do không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ.
– Nhiều trường hợp người lao động bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín lao động ta và thị trường lao động của Việt Nam. Tình trạng lao động phải về nước trước hạn cũng xảy ra phổ biến, dẫn đến doanh nghiệp mất nguồn thu phí dịch vụ, phát sinh thêm chi phí để giải quyết các vấn đề và làm giảm đáng kể hiểu quả dịch vụ xuất khẩu lao động của doanh nghiệp.
– Sức khỏe của lao động nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, lao động của nước ta chỉ đủ sức khỏe làm các công việc ở các ngành nghề như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, làm việc trong các nhà máy còn các công việc như đi biển, xây dựng thì chưa đạt yêu cầu. Đây cũng là một trong những trở ngại cho lao động Việt Nam.
– Kỉ luật lao động là một điều mà đã gây ra tai tiếng cho lao động nước ta khi làm việc ở nước ngoài. Lao động nước ta khi làm việc ở các nước sở tại đều thiếu kỉ luật và thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện bảo hộ lao động. Nguyên nhân chính của những vấn đề nêu ở trên là do: người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài đa phần là lao động nông thôn. Những lao động này phần lớn là chưa qua một lớp đào tạo chính quy về tay nghề.
Những khó khăn của người đi xuất khẩu lao động
– Thông tin hạn chế trước khi đi xuất khẩu lao động, ít nhận thức về quyền di cư, làm thế nào để bảo vệ và giải quyết vấn đề, ít hiểu biết về truyền thống và văn hóa trong quá trình làm việc ở nước ngoài.
– Các vấn đề về ngôn ngữ, ngoại ngữ khi làm việc. Việc đào tạo khá sơ sài và bản thân người lao động cũng không có ý thức trau dồi ngoại ngữ trước khi xuất cảnh.
– Lệ phí tuyển dụng cao, người lao động chủ yếu đi vay mượn từ người thân hoặc từ nguồn khác ngoài ngân hàng với lãi suất cao hơn nhiều.
– Chi phí cao trước khi xuất cảnh, nợ nần nhiều do phải vay mượn tiền để đi xuất khẩu lao động.
– Hầu hết những người lao động trở về nước không thể sử dụng các kỹ năng và kinh nghiệm có được từ nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, người lao động lại quay trở lại làm công việc cũ trước khi xuất cảnh.
Vậy nên các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong lĩnh vực này chưa tổ chức việc cung cấp một cách có hệ thống thông tin thị trường lao động nước ngoài làm cơ sở cho hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp cũng như phổ cập hiểu biết cho người dân về xuất khẩu lao động. Các chính sách, văn bản về xuất khẩu lao động chưa bám sát thực tế và thường đi sau thực tế. Thủ tục xuất cảnh và các thủ tục khác có liên quan thường rườm rà, phức tạp gây mất nhiều thời gian và tiền của của người lao động. Công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất khẩu lao động được tiến hành chưa thực sự nghiêm túc và có hiệu quả.